Đào tạo cán bộ liên ngành quản lý đô thị: Nhu cầu cấp thiết

Cập nhật lúc 2022-02-09 07:58:43

Đào tạo cán bộ liên ngành quản lý đô thị: Nhu cầu cấp thiết

Hiện nay, Việt Nam có gần 800 đô thị các loại, trong đó có hơn 100 đô thị lớn từ loại 4 đến đô thị đặc biệt. Trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, vấn đề quản lý phát triển đô thị càng trở nên cấp thiết và để làm tốt công tác này cần phải có những cán bộ được đào tạo bài bản.

 Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Thiếu hụt nhân lực

Chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho các đô thị phát triển nhanh chóng và tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng trong quá trình đô thị hóa đã phát sinh ra nhiều khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Đó là tăng trưởng về dân số dẫn đến quá tải và xuống cấp của hệ thống hạ tầng; vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải, khí thải… từ sinh hoạt hàng ngày của người dân; công tác quản lý xây dựng, sử dụng đất đai đô thị chưa hiệu quả làm phá vỡ quy hoạch đô thị. Đặc biệt là thách thức về việc xây dựng thể chế về quản lý đô thị.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay, ở Việt Nam đang thiếu hụt một cách trầm trọng lực lượng cán bộ tham gia công tác quản lý phát triển đô thị có tư duy liên ngành. Một thực trạng đang xảy ra là nhiều cán bộ phụ trách công tác đô thị của các địa phương chưa được đào tạo về công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Ở địa phương có rất nhiều các chuyên gia giỏi tham gia vào công tác quản lý đô thị, nhưng đa số là những cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực.
Thực tế đã chứng minh, những hạn chế trong công tác quản lý phát triển đô thị trước đây mà hiện nay đang phải khắc phục phần lớn xuất phát từ việc cán bộ phụ trách không được đào tạo về công tác liên ngành trong quản lý, họ chỉ là những người làm chuyên môn thuần túy. Trong khi quản lý đô thị bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ dân cư xã hội, kinh tế tài chính, môi trường, công tác quy hoạch, kiến trúc xây dựng, chiến lược phát triển… là sự tổng thể của kiến thức liên ngành.
Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa, các đô thị sẽ trở thành trung tâm của sự phát triển, nếu không có đội ngũ quản lý đô thị có đủ năng lực sẽ phải trả một giá đắt về môi trường, kinh tế – xã hội trong quá trình phát triển.

 Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Cấp thiết phải đào tạo
Trước nhu cầu đó, việc đào tạo cán bộ liên ngành về quản lý đô thị là vấn đề cấp thiết và phù hợp với thực tế. Năm 2002, Đại học Quốc gia Hà Nội được tự chủ về công tác đào tạo sau đại học đã tổ chức các chương trình đào tạo có tính liên ngành, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn khi khoa học riêng lẻ không thể giải quyết hết được các vấn đề mà cần phải có sự liên kết lại thành khoa học liên ngành.
Kế tiếp thành công của chương trình đào tạo thạc sĩ liên ngành về biến đổi khí hậu đầu tiên ở Đông Nam Á từ năm 2011. Trong năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục mở thêm chương trình đào tạo thạc sĩ liên ngành về quản lý đô thị, là chương trình đào tạo về quản lý đô thị đầu tiên của Việt Nam được đưa vào thực tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, đô thị là một thực thể sống động có rất nhiều tiềm năng cần phải khơi thông, nó luôn vận động và phát triển chứ không phải “xây xong nhà, xây xong đường, xong cầu là xong”. Đó là con người trong đô thị, môi trường trong đô thị, là vấn đề khai thác kinh tế trong đô thị và xu hướng đô thị thông minh phải có những công cụ khác để quản lý, vì vậy đào tạo cán bộ quản lý đô thị là một vấn đề cấp thiết hiện nay.
Việc cho ra đời chương trình đào tạo Thạc sĩ liên ngành về quản lý đô thị xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đã được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài. Những người tham gia công tác giảng dạy là những chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau, những chuyên gia này cùng ngồi lại để giải quyết những vấn đề về quản lý đô thị ở lĩnh vực chuyên môn của mình, trên cơ sở hài hòa và cân bằng với các lĩnh vực khác để người được đào tạo có thể tiếp thu được những kiến thức về liên ngành.
Trong suốt thời gian đào tạo 2 năm, các thạc sĩ liên ngành sẽ được trực tiếp học tập, nghiên cứu tại các đô thị cùng các chuyên gia và cán bộ quản lý đô thị ở các địa phương để vừa có kiến thức thực tế và được góp ý, đưa ra những ý kiến của mình để giải quyết những vấn đề tồn tại của đô thị đó. “Khi cán bộ được đào tạo liên ngành về quản lý đô thị sẽ có khả năng nhận biết đâu là vấn đề liên quan đến kinh tế, đâu là vấn đề liên quan đến môi trường, quy hoạch, xây dựng… để từ đó có thể tìm những chuyên gia đúng chuyên ngành và người được đào tạo cũng sẽ trực tiếp tham gia giải quyết vấn đề liên quan đến chuyên môn của mình” – PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh nói.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo này, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để đưa liên ngành quản lý đô thị trở thành danh mục đào tạo của Nhà nước.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ chưa đầy một thập kỷ nữa, 40% dân số cả nước sẽ sống trong đô thị. Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các TP và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư 

Theo Kinh tế đô thị

CÁC TIN KHÁC