Workshop Áo dài - Trang phục của người Việt

Cập nhật lúc 2024-09-23 00:00:00

Buổi toạ đàm Áo dài - Trang phục của người Việt diễn ra vào ngày 21/09/2024 tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN dưới sự dẫn dắt của ThsS. Hoàng Diễn Thanh bao gồm 2 nội dung chính: Giới thiệu về áo dài truyền thống và hướng dẫn thực hành cắt, may áo dài truyền thống. Trong nội dung chương trình toạ đàm về áo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, nghệ nhân Đỗ Minh Tám và ThS. Hoàng Diễn Thanh lần lượt chia sẻ những nghiên cứu, kinh nghiệm của bản thân về việc mặc và cắt may áo dài truyền thống.

Các diễn giả, giảng viên và sinh viên tham gia workshop

Diễn giả Nguyễn Đức Bình là quản trị viên của câu lạc bộ Đình làng Việt, nơi quan tâm, chia sẻ và phổ biến những phong tục tập quán, giá trị truyền thống của đình làng Việt; cùng với sự phát triển của câu lạc bộ, bác nhận thấy tầm quan trọng của trang phục ảnh hưởng đến văn hoá sinh hoạt đình làng và cụ thể là áo dài truyền thống. Từ đây, bác dành nhiều tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu về loại trang phục truyền thống này. Bác cũng may mắn khi được gặp gỡ những người có cùng mối quan tâm như nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế hay hoạ sĩ Nguyễn Thu Hà - người tặng bác chiếc áo dài truyền thống đầu tiên và khơi dậy trong bác những mối quan tâm về “chiếc áo dân tộc” này. Sau một hành trình dài của nghiên cứu và trải nghiệm, lần đầu tiên bác đến với mái trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình đã có bài chia sẻ về “Áo dài truyền thống, giá trị thẩm mỹ, văn hóa và một số vấn đề may, mặc” đã trình bày sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của áo dài truyền thống và tập trung vào áo dài truyền thống dành cho nam giới.

Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ về “Áo dài truyền thống, giá trị thẩm mỹ, văn hóa và một số vấn đề may, mặc”

Trong phần tình bày của mình, bác đã chia nội dung thành 4 phần lớn.

- Phần 1 là Nhận diện áo dài truyền thống, bác phân tích kết cấu và các đặc điểm của trang phục áo dài truyền thống như 5 thân, tay thụng hay tay chẽn và các đường nét cong, thẳng cần thiết trên áo truyền thống. Bác cho rằng “Truyền thống là khuyết danh” vì giá trị truyền thống là những đúc kết của người dân dựa trên những quan điểm thẩm mỹ, triết lý thâm sâu của dân tộc.

- Phần 2 là Lịch sử của áo dài truyền thống, bác đã có những tìm hiểu rất sâu sắc để đưa ra những tư liệu có giá trị lịch sử là bằng chứng sát thực cho việc mặc và sử dụng áo dài trong quá khứ. Bác phân tích và khái quát được thông tin dưới dạng bảng biểu giúp cho thính giả dễ dàng theo dõi, nắm bắt được thông tin.

- Phần 3 bác chia sẻ về Công năng, thẩm mỹ và bản sắc văn hoá áo dài. Đây là phần bác rất tâm huyết khi phân tích được tính công năng của áo dài để phù hợp với với các hoạt động hàng ngày và các hoạt động nghi lễ trang trọng. Giá trị thẩm mỹ của áo dài nằm trong đường nét của trang phục, qua cách phối màu nền nã ngoài đậm, trong sáng thể hiện nét khiêm nhường, tinh tế của người Việt. Áo dài giúp khắc phục được nhược điểm của người Việt về chiều cao, dáng người hay kiểu tóc… Đây cũng chính là nét bản sắc của áo dài mà bác đã đề cập đến, luôn kín đáo và hoà đồng. Bác cũng nhắc rất nhiều đến tính hoà đồng của áo dài, đó là có thể mặc thêm các lớp áo khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh, khi đi cùng người khác thì tránh làm nổi bật hơn người khác nên người mặc sẽ mặc thêm một chiếc áo the đen để làm giảm sự nổi bật của trang phục.

- Phần 4 bác chia sẻ về thực trạng sử dụng và hoạt động cách tân của áo dài trong thị trường may mặc hiện nay. Bác cho rằng nhiều hoạt động làm mới áo dài truyền thống chưa được phù hợp với giá trị văn hoá truyền thống. Tuy nhiên, bác vẫn ủng hộ hoạt động sáng tạo, thay đổi để áo dài truyền thống có thể tiếp tục đồng hành trong đời sống của các bạn trẻ hiện đại, và sự thay đổi đó không nên vượt quá 30% giá trị của áo dài.

Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình ủng hộ hoạt động sáng tạo, thay đổi để áo dài truyền thống có thể tiếp tục đồng hành trong đời sống của các bạn trẻ hiện đại

Chương trình được tiếp tục với nội dung chia sẻ của Nghệ nhân Đỗ Minh Tám. Bác là một nghệ nhân dân gian tại làng nghề may Trạch Xá, Ứng Hoà, Hà Nội - nơi có đền thờ bà tổ ngành may Nguyễn Thị Sen cúng giỗ vào ngày 12-12 âm lịch hàng năm. Bác chia sẻ về những hoạt động của làng nghề trải qua quá trình thăng trầm của thời gian từ vùng đồng chiêm trũng, “cái rốn nước của Ứng Hoà” vươn mình trở thành làng nghề may truyền thống quy tụ gần 500 hộ gia đình hành nghề đến ngày nay. Những tâm huyết với nghề của bác hiện nay được trao truyền cho những thế hệ kế cận và gần nhất là đời con, cháu của bác tại làng Trạch Xá. Buổi chia sẻ hôm nay bác mong muốn truyền được đam mê với áo dài truyền thống đến với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học tập ngành thiết kế thời trang.

Nghệ nhân Đỗ Minh Tám lan toả đam mê với áo dài truyền thống đến tới các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học tập ngành thiết kế thời trang

ThS. Hoàng Diễn Thanh với vai trò là một giảng viên của trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, VNU; sau một thời gian dài đi tìm những giá trị truyền thống, đến tận nơi các làng nghề truyền thống, trải nghiệm trực tiếp và học hỏi từ các nghệ nhân, thầy đã chia sẻ trong buổi hôm nay về “Yếu tố bản địa trong kỹ thuật may áo dài truyền thống làng nghề Trạch Xá”. Đó là những đúc kết từ trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm của nghệ nhân dân gian, được thầy khái quát thánh lý thuyết để sinh viên có thể dễ dàng tiếp thu và ứng dụng. Đây là việc làm quan trọng trong việc kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, là một đầu mối để kết nối văn hoá dân gian và kiến thức học thuật.

ThS. Hoàng Diễn Thanh, giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN chia sẻ về “Yếu tố bản địa trong kỹ thuật may áo dài truyền thống làng nghề Trạch Xá” 

Sang phần 2 của toạ đàm, các bạn sinh viên được nghệ nhân Đỗ Minh Tám và thầy Hoàng Diễn Thanh hướng dẫn trực tiếp để có thể cắt may và hoàn thiện 1 sản phẩm áo dài truyền thống. Bác Đỗ Minh Tám rất nhiệt thành trong việc hướng dẫn sinh viên cắt và khâu áo dài truyền thống. Sinh viên ngồi xung quanh bác, vừa thực hành vừa hỏi trực tiếp. Không khí rất vui vẻ và thân thiện. Trong lúc đó, thầy Hoàng Diễn Thanh chia sẻ về cách tết và khâu 1 khuyết áo theo phương pháp truyền thống. Học sinh rất hồ hởi với những cách thức mới lạ mà thầy hướng dẫn.

Các bạn sinh viên SIS say mê với những chia sẻ hết sức ý nghĩa từ các diễn giả

Xem thêm các hình ảnh tại buổi Workshop:

 

CÁC TIN KHÁC